Nước có một vai trò hết sức quan trọng để tạo nên sự sống. Cũng chính vì vậy khi tìm kiếm một hành tinh nào đó, điều đầu tiên chúng ta quan tâm trước tiên là ở đó có nước hay không? Nếu ở đâu có nước thì ở đó có thể tồn tại sự sống.
Hàng ngày chúng ta tiếp xúc với nước và sử dụng nước cho những công việc khác nhau nhưng có lẽ không phải ai cũng hiểu được hết tầm quan trọng, cũng như vai trò của nước đối với sự sống con người nói riêng và sự sống trên hành tinh nói chung. Vậy nước có những vai trò quan trọng như thế nào?
Nước đối với cơ thể
Đối với cơ thể con người nước chiếm 70% khối lượng bộ não được cấu tạo từ nước. Trong cơ thể con người nước đóng vai trò là dung môi cho những phản ứng hóa học trong cơ thể xảy ra. Nước đóng vai trò vận chuyển những nguyên tố dinh dưỡng đến toàn bộ cơ thể. Điều hòa thân nhiệt bằng tuyến mồ hôi…
Con người vẫn có thể sống sót nếu nhịn ăn 2 tháng, nhưng không thể tồn tại được nếu thiếu nước khoảng 3-4 ngày. Nếu cơ thể mất đi 2% lượng nước thì khả năng làm việc sẽ giảm đi 20%. Nếu mất đi 10% lượng nước thì cơ thể sẽ tự đầu độc và nếu mất 21% lượng nước sẽ dẫn đến tử vong. Do đó cơ thể luôn cần phải được cung cấp đủ lượng nước cần thiết để đảm bảo sự hoạt động ổn định của mình.
Nước đối với cuộc sống hàng ngày
Chắc hẳn cuộc sống của chúng ta sẽ bị đảo lộn rất nhiều nếu bị mất nước trong một thời gian. Đa số hoạt động sinh hoạt hàng ngày của chúng ta đều gắn liền với nước.. Hãy tưởng tượng xem một ngày nào đó lượng nước không đủ dùng cho mỗi người hoặc nước không còn được sạch nữa thì cuộc sống của chúng ta sẽ ra sao nhỉ?
Nước đối với trái đất
Đối với đa số nước tồn tại trên hành tinh là một điều hiển nhiên bởi vì nó cần thiết cho hoạt động sống của tất cả các sinh vật. Nhưng ngoài ra nước trên hành tinh còn có một nhiệm vụ khác rất quan trọng đó là điều hòa nhiệt độ của trái đất. Bởi nước là một chất lỏng có nhiệt dung riêng rất lớn vào khoảng 4200j/kg.K. Tức là để đun nóng 1 kg nước lên 1 độ thì phải cần phải cung cấp 4200J. Do đó năng lượng mặt trời chiếu đến hành tinh của chúng ta là rất lớn nhưng nhiệt độ của trái đất luôn được duy trì để đảm bảo sự sống.
Và thực trạng sử dụng nước hiện nay?
Rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng nước chiếm 3/4 diện tích trái đất cơ mà. Sao chúng ta lại phải lo thiếu nước? Nhưng các bạn có biết rằng 3/4 hay 75% nước đó lại chứa tới 97% là nước mặn ở các đại dương, cái mà chúng ta không thể sử dụng được cho những mục đích hàng ngày được. Đó là chưa kể đến 99.7% trong số 3% nước ngọt lại tồn tại ở dạng băng đá và tuyết. Vậy chỉ còn 0.3% trong tổng số 3/4 kia là nước ngọt mà chúng ta có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt của mình được. Quá là ít phải không nào?
Mặc dù lượng nước ngọt ít là vậy nhưng hàng ngày chúng ta vẫn đang luôn làm cho nó ít hơn bằng sự vô tâm trong cách sử dụng nước một cách hoang phí và làm ô nhiễm nguồn nước.
Hiện nay công nghiệp phát triển kéo theo đó là việc thải ra môi trường một lượng lớn nước thải. Nếu lượng nước thải này không được xử lý một cách bài bản thì việc ô nhiễm nguồn nước là điều khó tránh khỏi. Báo chí đã phanh phui rất nhiều những doanh nghiệp vì không muốn bỏ ra một số tiền lớn xử lý nước thải đã cố tình che dấu việc thải trực tiếp nước sau sản xuất ra tự nhiên. Điều này sẽ dẫn đến việc ô nhiễm nguồn nước xung quanh và trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân xung quanh đó.
Tương lai…
Theo như dự đoán của những nhà phân tích thì trong tương lai nước sạch sẽ là một nguồn tài nguyên quý hiếm không khác gì dầu mỏ ở những thập kỷ trước và thậm trí nước còn có tầm quan trọng hơn rất nhiều. Dầu mỏ có thể được thay thế bằng khí đốt và những nguồn nhiên liệu khác. Nhưng nước thì không. Sẽ không khó tưởng tượng ra viễn cảnh xung đột giữa những quốc gia xung quanh việc chiếm hữu nguồn nước sinh hoạt.
Giải pháp?
Trong khi dân số ngày càng tăng, nguồn nước lại ngày càng giảm thì việc tìm đến một giải phải tái xử lý, sử dụng nguồn nước ô nhiễm là một phương pháp cần thiết. Ngày nay chúng ta cũng đang dần từng bước trong việc phát triển những hệ thống xử lý và tái tạo nguồn nước ô nhiễm để phục vụ cho việc sinh hoạt. Trong tương lai rất có thể chúng ta sẽ có những thiết bị tái chế nước với hiệu quả cao và giá thành rẻ, nhưng trước mắt việc mà mỗi người chúng ta có thể làm được đó là hãy sử dụng nước một cách phù hợp tránh lãng phí và có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, tránh làm ô nhiễm nguồn nước.
Làm mềm nước cứng bằng phương pháp hóa học
Ở những bài viết trước chúng ta đã tìm hiểu nước cứng là gì và phương pháp vật lý làm mềm nước cứng. Ngoài phương pháp vật lý ra thì để làm mềm nước cứng chúng ta có thể sử dụng phương pháp hóa học. Phương pháp hóa học dựa trên phản ứng trao đổi của các ion magie và canxi với những ion khác để loại bỏ ion magie và canxi ra khỏi nước, từ đó làm giảm độ cứng của nước.
Tùy vào chất lượng nguồn nước và yêu cầu làm mềm mà chúng ta chọn những hóa chất khác nhau. Dưới đây là một số hóa chất hiện đang được sử dụng để làm mềm nước.
1. Làm mềm nước bằng vôi:
Khử độ cứng của nước bằng vôi được áp dụng trong trường hợp ngoài làm giảm độ cứng ra còn có mục đích giảm độ kiềm của nước. Khi xử lý nước bằng vôi sẽ xảy ra những quá trình sau:
CO2 + Ca(OH)2 →CaCO3 + H2O
CO2 hòa tan trong nước sẽ kết hợp với nước vôi tạo ra chất kết tủa trước tiên. Sau đó nếu tiếp tục thêm vôi vào nước sẽ xảy ra quá trình chuyển hóa muối bicacbonat của magie và canxi thành các muối cacbonat kết tủa theo phản ứng dưới đây
Ca(HCO3)2 + Ca(OH)2 → 2 CaCO3 + 2 H2O
Mg(HCO3)2 + Ca(OH)2 → CaCO3 + MgCO3 + 2 H2O
Tiếp đó muối cacbonat magie kết hợp với vôi tạo thành hợp chất Magie Hydroxit kết tủa.
MgCO3 + Ca(OH)2 → CaCO3 + Mg(OH)2
Tiếp theo đó các ion trong thành phần nước cứng vĩnh cửu sẽ tham gia phản ứng theo phương trình sau:
MgSO4 + Ca(OH)2 → CaSO4 + Mg(OH)2
Mgcl2 + Ca(OH)2 → Cacl2 + Mg(OH)2
Mặc dù có thể làm giảm thành phần magie trong nước cứng vĩnh cửu nhưng lại tạo ra một lượng tương đương CaSO4 và CaCl2 do đó dùng vôi không đem lại hiệu quả để làm mềm nước cứng vĩnh cửu.